Chuyển đổi số tạo động lực phát triển vùng khó khăn

02:21 PM 25/07/2023 Lượt xem: 273 In bài viết

Chuyển đổi tư duy

Thị xã Sa Pa (Lào Cai) đang tích cực chuyển đổi số, từ cấp thị xã đến cấp xã, phường đều thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số, nhằm thay đổi phương thức làm việc, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục hành chính và kinh doanh. Chị Sùng Thị Lan, Giám đốc Hợp tác xã Mường Hoa, thị xã Sa Pa cho biết: "Công nghệ thông tin giúp phát triển, thúc đẩy việc bán sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tiếp nhận khách đặt tour, đặt phòng qua mạng. Nhờ tham gia Tổ công nghệ số cộng đồng, chúng tôi được hỗ trợ thay đổi và phát triển mô hình kinh doanh du lịch". Bà Hoàng Thị Vượng, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Sa Pa cho biết, hiện địa phương có 16 tổ công nghệ số cộng đồng các xã, phường; 111 Tổ công nghệ số cộng đồng thôn, bản. Mỗi xã, phường tạo lập một nhóm zalo chuyển đổi số riêng để phục vụ trao đổi, cập nhật tài liệu, văn bản hướng dẫn từ các cấp xuống.

Không chỉ Sa Pa, ở các huyện Si Ma Cai, Bắc Hà, việc chuyển đổi số cũng diễn ra mạnh mẽ, phục vụ phát triển du lịch, tuyên truyền đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với bà con. Riêng huyện Bắc Hà phấn đấu đến năm 2025 được xếp ở mức khá về chỉ số xếp hạng chuyển đổi số, góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp huyện (DCI).

Những năm qua, UBND tỉnh Lào Cai đã phối hợp Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh dành riêng cho địa phương qua các kênh website, thu hút hàng triệu lượt truy cập. Đặc biệt hệ sinh thái du lịch thông minh còn có tính năng tự động chuyển đổi ngôn ngữ, giúp cổng tiếp cận khách hàng người nước ngoài truy cập và khai thác.

Các tỉnh Tuyên Quang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái… cũng đang tích cực chuyển đổi số. Điều đáng nói, bà con nông dân đã nhập cuộc nhanh chóng để tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử, nhờ đó sản phẩm tiêu thụ gấp đôi so bán trực tiếp. Cụ thể, tại Sơn La, với hơn 84.000ha cây ăn quả, sản lượng quả thu hoạch năm 2023 ước đạt 452.000 tấn, chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ là "chìa khóa" để bảo đảm việc tiêu thụ thuận tiện. Chị Hà Thị Ngọc, đại diện Hợp tác xã Quyết Thanh (thị trấn nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu, Sơn La), chia sẻ: "Từ cuối năm 2019, chúng tôi đã đăng bán trên sàn thương mại điện tử các sản phẩm như mận sấy, hồng sấy, chuối sấy dẻo. Qua các kênh này, sản phẩm của chúng tôi được đông đảo người tiêu dùng biết đến và đặt hàng trực tiếp".

Ðưa chỉ số chuyển đổi số vào mục tiêu phấn đấu

Cũng phải nhìn nhận, do đặc thù khó khăn về địa hình, nhận thức, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã khó, việc chuyển đổi số còn gian nan hơn. Theo Ủy ban Dân tộc, đến nay nhiều cán bộ, công chức làm công tác dân tộc vẫn còn chưa nhận thức được tính quan trọng và hiệu quả của ứng dụng công nghệ thông tin vào chuyển đổi số. Do đó, cần kịp thời bồi dưỡng để đội ngũ cán bộ chuyên trách này nâng cao trình độ công nghệ thông tin, kiến thức về chuyển đổi số.

Ủy ban Dân tộc đã triển khai xây dựng Đề án Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng cơ sở hạ tầng và phần mềm quản lý tài liệu lưu trữ của Ủy ban Dân tộc; xây dựng kho dữ liệu và hệ thống khai thác thông tin thống kê công tác dân tộc và dữ liệu thống kê 53 dân tộc thiểu số; nghiên cứu, xây dựng hạ tầng điện toán đám mây phù hợp nhu cầu chuyển đổi số và nguồn lực chung; triển khai xây dựng kiến trúc Chính phủ điện tử của Ủy ban Dân tộc phiên bản 2.0…

Nhiều địa phương đã và đang tích cực thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số. Ông Ma Quang Hiếu, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2021-2030), đơn vị sẽ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin, nhận thức và kỹ năng chuyển đổi số cho cán bộ, nhân viên làm công tác dân tộc.

Mới đây, UBND tỉnh Sơn La đã phát động Phong trào thi đua "Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Sơn La giai đoạn 2021-2025". Đây là một trong những hành động cụ thể, tích cực nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong đó nhấn mạnh tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn Sơn La.

Còn tại Lai Châu, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Chuyển đổi số tỉnh Lai Châu đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"… Tỉnh Lai Châu đang nỗ lực phấn đấu đến năm 2025, cơ bản hoàn thành các mục tiêu xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, đô thị thông minh, từng bước nâng thứ hạng của Lai Châu đạt vị trí thứ 45/63 tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng đánh giá Chỉ số Chuyển đổi số vào năm 2025.

Để công tác chuyển đổi số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt hiệu quả, rất cần các giải pháp liên thông, kết nối, đồng bộ dữ liệu của Ủy ban Dân tộc với các bộ, ngành, địa phương. Theo đó, cần mau chóng phát triển hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ kết nối với các hệ thống thông tin; đầu tư hệ thống thông tin báo cáo, đánh giá, giám sát phục vụ trung tâm điều hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

(nhandan.vn)