Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phát triển KT-XH và đảm bảo an ninh trật tự cho vùng đồng bào DTTS Việt Nam

02:42 PM 28/11/2016 Lượt xem: 708 In bài viết

Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Phan Văn Hùng, Trưởng Ban Chỉ đạo Ứng dụng Công nghệ thông tin UBDT phát biểu chỉ đạo Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo một số vụ, đơn vị; Vụ Địa phương II, Văn phòng đại diện tại Tp.Hồ Chí Minh tham dự qua hệ thống họp trực tuyến.

Toàn cảnh Hội thảo

Đề án “Ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự cho vùng đồng bào DTTS Việt Nam” được xây dựng nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của đồng bào trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chính sách dân tộc, công tác dân tộc và đại đoàn kết các dân tộc. Việc triển khai đề án sẽ góp phần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin tại vùng đồng bào DTTS; phục vụ phát triển kinh tế, văn hóa, chính trị, quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái; giảm sự chênh lệch giữa miền núi và đồng bằng, rút ngắn khoảng cách về thu nhập, thụ hưởng về văn hóa vật chất cũng như văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Đề án sẽ tập trung vào 14 nội dung gồm: Xây dựng Trung tâm dữ liệu đáp ứng nhu cầu lưu trữ toàn bộ dữ liệu, thông tin để đảm bảo cung cấp thường xuyên, liên tục phục vụ việc phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh trật tự vùng DTTS; xây dựng các kênh thông tin kết nối tới địa bàn các xã, thôn, bản  thuộc vùng đồng bào DTTS nhằm phục vụ cho chính quyền cơ sở truyền phát các nội dung thông tin đáp ứng nhu cầu của đồng bào; xây dựng Trung tâm tư vấn điện thoại (call center) để phục vụ việc hỏi đáp, thắc mắc giúp chính quyền xã, thôn, bản hướng dẫn thông tin đến đồng bào DTTS; xây dựng Cổng thông tin điện tử phục vụ giao tiếp, đối thoại trực tuyến với đồng bào DTTS; xây dựng Hệ thống thông tin hỗ trợ việc làm phục vụ đồng bào DTTS; xây dựng diễn đàn đối thoại trực tuyến về công tác dân tộc nhằm phản bác lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch; xây dựng hệ thống mạng tin học liên thông của cơ quan làm công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương; xây dựng trạm đón tiếp và hướng dẫn đồng bào DTTS tìm việc làm tại một số thành phố lớn; triển khai dự án “Ứng dụng công nghệ ảnh và video 3600 phục vụ quản lý nhà nước về công tác dân tộc”; “Xây dựng bộ từ điển trực tuyến Dân tộc thiểu số và Cổng thông tin đối ngoại phục vụ hợp tác quốc tế”; dự án “Ứng dụng công nghệ trực tuyến trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc”; xây dựng các ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động nghiệp vụ chuyên môn ngành công tác dân tộc nhằm thúc đẩy hiện đại hóa hành chính từng bước triển khai chính phủ điện tử trong hệ thống cơ quan công tác dân tộc; xây dựng Hệ thống truyền hình tương tác phục vụ đồng bào DTTS; xây dựng mạng xã hội phục vụ giao tiếp của đồng bào DTTS với các cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc.

Hội thảo đã tập trung thảo luận và đề xuất các ý kiến liên quan đến nội dung của đề án như: Chỉ rõ sự cần thiết của việc xây dựng đề án; bám sát vào chủ đề của đề án để xác định đúng phạm vi, đối tượng thực hiện; cần định lượng lại các mục tiêu cụ thể để có cơ sở đánh giá kết quả thực hiện; cần có những đánh giá cụ thể về những hạn chế, khó khăn còn tồn tại để xây dựng các nội dung tránh chồng chéo với các chương trình, đề án khác…

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm  Phan Văn Hùng đánh giá cao những nỗ lực của Trung tâm Thông tin (TTTT) trong việc xây dựng đề cương đề án và ý kiến đóng góp của các đại biểu. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm đề nghị TTTT tiếp thu ý kiến đóng góp, bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung như: hoàn thiện tên gọi đề án cho đầy đủ; làm rõ sự cần thiết của đề án, trong đó cần tập trung về ứng dụng công nghệ thông tin; bổ sung phần đánh giá hiện trạng để có căn cứ xây dựng mục tiêu và nhiệm vụ của đề án cho phù hợp; mục tiêu chung phải bám sát vào chủ đề của đề án, mang tính khái quát, ngắn gọn; định lượng lại các mục tiêu cụ thể để làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện; khái quát lại nội dung các hoạt động, nên chia ra thành các nhóm nhỏ, tránh dàn trải; xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể, hợp lý mang tính khả thi; xác định đối tượng trọng tâm đề án hướng đến; việc xây dựng kinh phí phải có căn cứ, chỉ rõ nguồn lực thực hiện; đề án phải mang tính đặc thù; cân nhắc việc sử dụng từ ngữ, nhận xét, nhận định trong đề án đúng chuẩn. Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm yêu cầu TTTT tiếp tục hoàn thiện đề cương, gửi các Bộ, ngành xin ý kiến đóng góp nội dung đề án.

Ngọc Ánh - Huyền Trang