Chuyển đổi số có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với mọi quốc gia
02:33 PM 21/08/2023 Lượt xem: 1286 In bài viếtThủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy Ban chuyển đổi số Quốc gia khẳng định, trong những kết quả thành tích chung của năm 2022 có sự đóng góp rất lớn của các bộ, ngành, địa phương và Đề án 06, chuyển đổi số. Chuyển đổi số có ý nghĩa vai trò đặc biệt quan trọng đối với tất cả các quốc gia nhất là những nước đang phát triển như Việt Nam.
Sáng 25/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số chủ trì Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022.
Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng chủ trì hội nghị.
Cùng dự có lãnh đạo các ban, bộ ngành Trung ương và địa phương và các tập đoàn về công nghệ thông tin. Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại điểm cầu Chính phủ đến các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin chỉ còn 1 tuần nữa là kết thúc năm 2022- năm của những biến động nhanh, phức tạp, khó lường, có nhiều vấn đề chưa từng có tiền lệ - cũng là năm của quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả với nhiều thành tựu đáng ghi nhận và chuẩn bị bước sang năm 2023 - năm bản lề của thời kỳ kế hoạch 5 năm 2021 – 2025. Trong kết quả chung đó có sự đóng góp chung của các cấp, các ngành, đặc biệt là công tác chuyển đổi số.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, phát triển nhanh, bền vững, sáng tạo dựa trên chuyển đổi số. Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, khách quan. Tại các diễn đàn thế giới không ai không nói đến chuyển đổi số, để thấy rằng câu chuyện chuyển đổi số rất quan trọng đối với mọi quốc gia. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường, xã hội; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; đồng thời giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý điều hành, phát triển Chính phủ số, công dân số, xã hội số. Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nhất là nước ta là nước đang phát triển thì càng phải đẩy mạnh chuyển đổi số này.
Trên tinh thần “không tô hồng nhưng cũng không bôi lem”, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các đại biểu thẳng thắn, trách nhiệm đánh giá những công việc đã làm được và chưa được, bài học quý, kinh nghiệm hay về Đề án 06, chuyển đổi số quốc gia; phân tích những tồn tại hạn chế, điểm nghẽn, rào cản trong quản lý, điều hành cũng như đánh giá ý nghĩa, kết quả trong việc thực hiện tại bộ, ngành, địa phương mình.
“Vừa qua nhiều ngành ứng dụng chuyển đổi số làm tốt thì hiệu quả tốt, người đứng đầu quan tâm chỉ đạo sẽ có kết quả tốt. Người đứng đầu lơ là chểnh mảng thì hiệu quả không cao. Các bộ, ngành, địa phương có nhiều việc phải làm nhưng phải có sự ưu tiên đối với chuyển đổi số”- Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ.
Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, cơ sở dữ liệu quốc gia rất quan trọng trong chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông lấy năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia. Dữ liệu phải kết nối, khai thác mới có hiệu quả. Thống nhất nhận thức phải xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, đặt ở đâu cho nhanh, thuận lợi và hiệu quả đã được chúng ta bàn tính nhiều và giao cho Bộ Công an quản lý dân cư, quản lý xã hội, lấy người dân là trung tâm chủ thể và mọi chính sách hướng đến người dân và người dân phải tham gia vào quá trình này.
“Đặt ở Bộ Công an là quyết định rất đúng. Các bộ ngành, địa phương phải tập trung vào cùng với Bộ Công an để xây dựng dữ liệu quốc gia chứ không phải có những suy nghĩ đặt ở Bộ Công an là của Bộ Công an hay đó là phần việc riêng của Bộ Công an. Chính sách phải hướng đến người dân, người dân là trung tâm của quá trình này. Sau khi thống nhất phải hành động, tuyệt đối không được có tâm lý đặt ở đâu là của bộ ngành đó, đặt ở đâu thuận lợi, quản lý tốt, kết nối tốt và quan trọng nhất là hiệu quả. Khi thống nhất rồi thì phải hành động”- Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Thủ tướng gợi ý, cần xác định rõ các quan điểm, định hướng và các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm thời gian tới, cũng như trong dài hạn như: Thể chế, cơ chế chính sách thúc đẩy chuyển đổi số như thế nào? Vấn đề nhân lực số, xây dựng, chia sẻ, kết nối các nền tảng số và cơ sở dữ liệu; bảo đảm an ninh, an toàn trên môi trường mạng; tăng hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân...). Theo Thủ tướng, đổi mới sáng tạo gắn với chuyển đổi số có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thủ tướng đề nghị các cấp, các ngành suy nghĩ, tiếp đó sẽ có một hội nghị chuyên đề về đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, tăng năng suất lao động.
Thủ tướng nêu rõ, năm 2023, tình hình dự báo khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ thuận lợi. Việc chuyển đổi số quốc gia nói chung, thực hiện Đề án 06, công tác chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương nói riêng đóng góp như thế nào trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Đây là những nhiệm vụ hết sức quan trọng, trong đó vấn đề chuyển đổi số, quản lý dân cư, thực hiện Đề án 06 có vai trò quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị năm 2023.
Theo báo cáo tại hội nghị, sau 1 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số năm 2022 đã thu được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là, việt nhận thức và hành động về chuyển đổi số quốc gia tiếp tục chuyển biến tích cực, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người đứng đầu; Công tác hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt kết quả tích cực, 100% bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương đã ban hành chương trình, kế hoạch, đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm; Hạ tầng công nghệ thông tin, các nền tảng số tiếp tục được phát triển ở trung ương và địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chuyển đổi số. Tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định và di động đều tăng so với cùng kỳ, xếp lần lượt thứ 45 và 52, cao hơn mức trung bình của thế giới. Có 48/63 địa phương đã triển khai Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh.
Các cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ Công an đã tích cực triển khai CSDL quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số. Đã kết nối, liên thông với 47 bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước; cấp trên 76 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử; đồng bộ trên 234 triệu thông tin tiêm chủng; kích hoạt gần 2,6 triệu tài khoản định danh điện tử; xác định thông tin chính xác của gần 50 triệu thuê bao di động.
Dịch vụ công trực tuyến được triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã cung cấp gần 4,4 nghìn dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (gấp 3 lần năm 2021); hơn 154 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái; hơn 3,9 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (gấp hơn 5,7 lần năm 2021); An toàn, an ninh thông tin tiếp tục được quan tâm; Nhân lực chuyển đổi số được quan tâm đầu tư và đạt được kết quả tích cực.
Kinh tế số, xã hội số có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt. Có 99% doanh nghiệp nộp thuế điện tử; 100% doanh nghiệp đang hoạt động sử dụng hóa đơn điện tử. Tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ năm 2022 đạt 7,5%, vượt mục tiêu đề ra. Có trung bình 40 triệu người dùng/tháng sử dụng 3 nền tảng thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam, tăng 43% so với năm 2021. Có 2,7 triệu thuê bao sử dụng dịch vụ Mobile Money, tăng hơn 7,3 lần so với năm 2021.
Cùng với đó đã hoàn thành 9/12 chỉ tiêu và 101/107 nhiệm vụ trong Kế hoạch hoạt động của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; hoàn thành 45/56 nhiệm vụ theo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại các phiên họp trước; hoàn thành 59/225 nhiệm vụ của Đề án 06 và đang tiếp tục triển khai 166 nhiệm vụ.
(Nguồn: Báo CAND)